Ở thời điểm hiện tại, giá heo hơi của tỉnh Đồng Nai đang ở mức khá cao, đồng thời tình hình dịch tả Châu Phi trên địa bàn tỉnh về cơ bản đã được khống chế, tuy nhiên người chăn nuôi vẫn không thể vui mừng vì không có heo để bán. Nguyên nhân chính là do tại đây, việc tái chăn nuôi đàn vẫn còn khá dè dặt vì dư âm của dịch tả.
Người chăn nuôi dè dặt tái đàn
Hiện tại, phần lớn các địa phương trong tỉnh Đồng Nai đã trải qua 30 ngày không có sự tái phát của dịch tả lợn Châu Phi và đủ điều kiện để tái đàn chăn nuôi. Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn còn rất thận trọng trong việc tái đàn. Các hoạt động tái đàn chủ yếu diễn ra ở các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi quy mô lớn.
Trong một vài tháng gần đây, các dãy chuồng trại nuôi heo của anh Hoàng Văn Phúc (ấp Tây Kim, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) luôn ở trong tình trạng trống không, nện bắt đầu giăng kín khung chuồng. Trước đó, khi dịch bệnh bùng phát đã làm ảnh hưởng đến toàn bộ đàn gần 400 con heo sắp đến ngày xuất chuồng của anh Phúc, việc này khiến anh thiệt hại hơn 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi dịch tả đã không còn tái phát, anh Phúc vẫn còn khá e dè với việc tái đàn chăn nuôi vì vẫn chưa có vaccine phòng bệnh.
Tương tự trường hợp trên, đàn heo với hơn 800 con của gia đình chị Nguyễn Thị Liên (ấp 2, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất) cũng nằm trong diện phải tiêu hủy gây ra thiệt hại hàng tỉ đồng. Tuy nhiên chị Liên vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tái đàn do giá heo giống cao, khan hiếm và các yêu cầu để tái đàn khắt khe, đặc biệt phần chuồng trại cần phải đảm bảo các yếu tố an toàn sinh học.
Xem thêm: Quyết định tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo tại Tp. Hồ Chí Minh
Trong khi đó, một doanh nghiệp chăn nuôi có quy mô lớn của tỉnh Đồng Nai đang rất nỗ lực để khôi phục đàn heo, đặc biệt là heo nái để tăng nguồn heo con giống cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, vì rủi ro dịch bệnh vẫn còn rất cao, các doanh nghiệp cũng rất thận trọng trong việc tái đàn chăn nuôi. Đối với các trang trại đang hoạt động, vấn đề an toàn sinh học luôn được thực hiện rất chặt chẽ và nghiêm ngặt để bảo vệ đàn chăn nuôi trước dịch bệnh.
Theo quy luật cung – cầu của thị trường
Ông Nguyễn Trường Giang – Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi-thú y Đồng Nai – cho biết, giá heo hơi tại tỉnh Đồng Nai hiện đứng ở mức cao. Tình hình dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh cơ bản được khống chế. Người chăn nuôi heo cũng ngày càng quan tâm đến việc tái đàn, khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, việc tái đàn vẫn đang gặp khó khăn do chỉ có những hộ, trang trại chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học mới được phép tái đàn, tuy nhiên con số này rất ít. Việc tái đàn chủ yếu diễn ra ở các doanh nghiệp, trang trại lớn. Tại Đồng Nai, tổng số hộ dân chăn nuôi heo số lượng nhỏ lẻ cũng chiếm 25%. Bên cạnh đó, thị trường heo giống khan hiếm và giá cao cũng khiến việc tái đàn gặp nhiều khó khăn.
Xem thêm: Trang trại chăn nuôi quy mô phải cách khu dân cư tối thiểu 400m
Theo ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, giá heo hiện nay ở mức “siêu lợi nhuận”. Nhiều hộ chăn nuôi và các doanh nghiệp đều mong muốn tái đàn chăn nuôi, tuy nhiên không phải muốn là tái đàn được. Đơn cử như tại các trang trại lớn đủ điều kiện thì tỉ lệ thất thoát khi chăn nuôi lợn khoảng 30-35%, do đó không thể nào giá hạ được vì phải theo quy luật cung – cầu của thị trường.
“Thời điểm trước tết, các cơ quan chức năng vào cuộc và có nhiều biện pháp nên đã giảm giá. Còn hiện nay thì phải theo quy luật cung – cầu quyết định giá heo” – ông Công nói.
Ông Huỳnh Thành Vinh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai – cũng cho biết, giá heo ở ngoài miền Bắc khá cao cũng khiến giá heo tại tỉnh Đồng Nai tăng theo. Hiện giá heo hơi ở tỉnh Đồng Nai khoảng 80.000 đồng/kg.
“Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã tích cực công tác tái đàn chăn nuôi heo sau dịch. Qua rà soát, tổng số đàn heo trên địa bàn tỉnh đã lên trên 2 triệu con so với thời điểm dịch chỉ có 1,5 triệu con” – ông Vinh cho hay.
Nguồn: Báo Lao Động