Sáng ngày 14/5, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức Hội nghị Tuyên truyền và phổ biến Luật Chăn nuôi, các văn bản hướng dẫn luật tại Hà Nội.
Bộ luật đúc kết từ 70 năm kinh nghiệm chăn nuôi
Tại Hội nghị tuyên truyền và phổ biến luật chăn nuôi diễn ra tại Hà Nội ngày 14/5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Phùng Đức Tiến đã nhấn mạnh rằng, lần đầu tiên sau 70 năm Việt Nam có Luật Chăn nuôi. Đây là bộ luật được xây dựng môt cách chi tiết dựa trên sự khảo sát và nghiên cứu thực tế các hoạt động chăn nuôi. Quốc hội đã cùng với các Bộ, ngành đưa ra những thẩm định hết sức kỹ càng, chặt chẽ, khoa học trước khi bộ luật được chính thức đưa vào áp dụng trong thực tế.
Ông cũng chia sẻ thêm, trong 4 tháng đầu năm 2020, ngành chăn nuôi vẫn giữa được sự phát triển khá ổn định dù bị ảnh hưởng không ít bởi dịch Covid-19. Qua đó đó cũng có thể thấy được sự quan tâm của Chính phủ cũng như sự nỗ lực của toàn ngành chăn nuôi trong suốt thời gian qua.
Xem thêm: Nguồn cung thịt heo trong nước sẽ dồi dào hơn vào cuối năm 2020
Ngành chăn nuôi Việt Nam đã đặt mục tiêu sẽ sản xuất được trên 5,8 triệu tấn thịt, 16 tỷ quả trứng và 1,2 triệu tấn sữa trong năm 2020. Đây là con số về cơ bản sẽ đáp ứng đủ các nhu cầu của hơn 90 triệu dân. Tuy vậy, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ, trong tương lai, ngành chăn nuôi của Việt Nam phải hướng tới mục tiêu xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi bởi điều kiện phát triển của ngành hiện nay là rất lớn, giống vật nuôi cũng đa dạng, phong phú hơn rất nhiều, thuận lợi cho sự phát triển và xuất khẩu.
“Với việc ban hành Luật Chăn nuôi và các văn bản dưới luật, chúng ta đã “hợp long” được mọi khía cạnh của ngành chăn nuôi, làm nên tảng để phát triển bền vững. Chúng ta hy vọng, 5 đến 10 năm tới chăn nuôi sẽ có được một vị trí to lớn trong kim ngạch xuất khẩu. Thị trường Nhật Bản khó tính là vậy, song Việt Nam đã xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi. Tới đây sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng một số nhà máy chế biến gia súc, gia cầm, trong đó có nhà máy chuyên giết mổ gà ta truyền thống của Việt Nam”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã nhấn mạnh tại hội nghị.
Hiện nay, hầu hết các nghị định, các thông tư hướng dẫn cách thực hiện Luật Chăn nuôi đã được hoàn thiện. Riêng đối với Nghị định xử phạt hành chính khi vi phạm trong lĩnh vực chăn nuôi vẫn còn đang trong quá trình hoàn thành để phù hợp nhất với điều kiện kinh tế, môi trường chăn nuôi của Việt Nam hiện nay. Để khi đưa vào áp dụng thực tiễn cho cho kết hiệu quả xử lý tốt nhất.
Vì vậy, Thứ trưởng cũng đã lưu ý các lãnh đạo, các cán bộ được cử tham dự Hội nghị phổ biến Luật Chăn nuôi vào ngày 14/5 vừa qua cần phải nghiêm túc nghiên cứu, nắm chắc các điều luật để phát huy hết vai trò của bộ luật.
Thu phí chăn nuôi tối đa 7 triệu đồng
Tại Hội nghị phổ biến luật chăn nuôi, Cục Chăn nuôi cũng đã chính thức công bố phụ lục biểu mức và các căn cứ để thu phí trong chăn nuôi. Trong đó, mức phí cao nhất được áp dụng là phí thẩm định, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện để sản xuất thức ăn chăn nuôi, mức phí cho việc thẩm định này là 7 triệu đồng/cơ sở/lần do trực tiếp Cục Chăn nuôi cấp, 5 triệu đồng/cơ sở/lần đối với giấy phép do Sở NN-PTNT cấp căn cứ để thu phí là Điều 32, Luật Chăn nuôi, Điều 10 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP.
Có mức thu phí thấp nhất được quy định trong luật chăn nuôi là thẩm định và cấp giấy phép nhập khẩu lần đầu đối với đực giống, tinh, phôi giống gia súc. Chi phí cho hạng mục này là 200.000 đồng/1 giống/lần được quy định tại Khoản 4, Điều 20, Luật Chăn nuôi, Điều 15 Thông tư số 22.
Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng thu một số loại phí khác có thể kể đến như phí thẩm định nuôi thích nghi, nghiên cứu, khảo nghiệm, mẫu phân tích quá trình sản xuất và gia công nhằm mục đích xuất khẩu. Mức phí này là 400.000 đồng/sản phẩm/mục đích/lần; Phí thẩm định cấp phép trao đổi nguồn gen đối với các giống vật nuôi quý, hiếm để phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, chọn, tạo ra giống vật nuôi mới là 800.000 đồng/1 nguồn gen.
Xem thêm: Quyết định tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo tại Tp. Hồ Chí Minh
Theo chia sẻ của Cục trưởng Cục Chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, bên cạnh các quy định về biểu phí, Hội nghị cũng sẽ thảo luận và thống nhất các nội dung quan trọng khác của ngành.
Ông Dương cũng chia sẻ thêm: “trước đây khi chưa có Luật Chăn nuôi, ngành chăn nuôi tồn tại rất nhiều bất cập, thiếu chế tài quản lý và xử lý.
Đơn cử như bất cập trong thống kê chăn nuôi, lúc đầu cũng tranh cãi nhưng cuối cùng Quốc hội quyết định phải có phần thống kê chăn nuôi. Hay như việc trong khi các nước phát triển chỉ có vài chục nhà máy giết mổ công nghiệp nên việc thống kê được sản lượng thịt rất dễ dàng thì Việt Nam ta có hàng chục nghìn lò mổ.
Ngay vừa rồi việc thống kê đầu lợn giữa Tổng cục Thống kê và Cục Chăn nuôi có sự vênh nhau khá lớn. Từ đó, cho thấy việc thống kê chính xác các số liệu chăn nuôi là cực kỳ cần thiết. Rồi rất nhiều vấn đề khác như phúc lợi động vật, tiếng ồn, mùi hôi, xử lý chất nước thải chăn nuôi… lần đầu được đưa vào luật, nên chúng tôi mong các đơn vị cần đọc và tìm hiểu thật kỹ để việc thực thi Luật Chăn nuôi đạt hiệu quả cao nhất”.